GỬI MẸ GIO LINH

Xa rồi Gio Linh
Xa rồi Cam Phổ
Xin gửi tặng mấy vần thơ nhỏ
Thăm từng người quen

Nhớ lắm bà mẹ già con chưa kịp biết tên
Mái nhà nhỏ dưới lùm tre núp bóng
Nhà không rộng nhưng tình thương rất rộng
Mẹ đón chúng con như con mẹ sinh ra

-“Con mẹ, một đứa chết rồi”*
Mẹ kể xót xa
-“Vì bọn bên kia”
Mẹ chỉ sang Dốc Miếu.
Con hiểu,
Nỗi đớn đau mẹ chịu
Thương mẹ lắm,mẹ ơi!
Con cố kề nhiều chuyện vui
Để mẹ quên đi nỗi niềm thương nhớ.
-“Mẹ còn thằng út nữa
Đang chiến đấu trong tê
Hôm nọ hắn được về
Đội mũ tai bèo,rất dáng.
Hai đứa con trai
Mẹ đều cho đi theo Cách mạng”
Rạng rỡ mẹ cười,
Gò má dăn deo.

Đời mẹ quanh năm khổ nghèo
Trong trại tập trung kìm kẹp
Chừ bộ đội các con về
Nhà mẹ đây tuy còn nhỏ hẹp
Thương các con,
Mẹ muốn dành tất cả thương yêu.

Chúng con ở nhà mẹ không nhiều
Bởi còn phải đi đánh giặc.
Hôm ra đi ,cầm tay con ,mẹ nhắc
Có dịp nhớ về thăm mẹ,nghe con!
Miệng mẹ cười nhưng mắt mẹ rất buồn.
Thấy mẹ rưng rưng
Con cũng cay xè…nơi mắt.
Một bó rau lang,vội cắt
Quà cho con-Đây,một chút quê nhà.

Mai ngày cuộc chiến lùi xa
Kỷ niệm làm sao quên được:
Ôi những bữa cơm thật ngon,chỉ với canh xương rồng nấu ruốc.
Rồi xì-dầu và rau lang luộc,
Hết thuốc lào con chuyển hút gạo rang,
Không có trầu ăn,mẹ dùng lá trặc-vằng…
Mẹ mẹ,con con
Sao mà vui thế.
Ngày hòa bình …
Nếu đang còn, ta sẽ cùng liên hoan mẹ nhé
Con sẽ mang về cho mẹ
Đầy một Xắc trầu không.
Rồi thì thuốc thơm Điện Biên,Tam Đảo,Thăng Long
Rồi thì thuốc lào ngon Vĩnh Bảo Hải Phòng
Rồi cả chè móc câu Thái nguyên chính gốc.
Lúc ấy,mẹ ơi
Có thể mẹ con mình lại khóc
Dẫu qua rồi mọi khó nhọc,hy sinh…

Chia tay Cam Phổ
Chia tay Gio Linh
Tất cả chúng con không lúc nào quên
Người mẹ già nơi đó,
căn nhà đơn sơ,nho nhỏ,
rất nghèo nàn mà chan chứa ân tình.

Ngồi viết những dòng này.
Con gửi về kính tặng mẹ Gio Linh

*Bài nàytui có chỉnh sửa lại chi tiết về 2 con  của Mẹ bị hy sinh trước đây ,qua cháu ngoại của bà -Thằng cu Đới bé tí năm 1972 ,bây giờ là 1 trung niên (Học trung cấp,bỏ biên chế về làm ruộng,nuôi vịt) .
9/2010 ,khi tui về Cam Phổ  đến nhà Mẹ,mới biết Mẹ có tên  thật là bà Toản chứ hồi 1972, ở đây gọi Mẹ là “mụ Nậy”.Chính nhờ “thằng”cu Đới ,tui cũng rõ -2 liệt sỹ mẹ kể đó,có   một con đẻ còn người kia là con rể(cha cu Đới).Mẹ Toản  đã mất năm 1993.

Bài này đã được đăng trong Thơ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

25 Responses to GỬI MẸ GIO LINH

  1. HÀ NỘI nói:

    Anh lại làm em khóc rồi, ko hiểu sao lại mau nước mắt thế ko biết. Một nghĩa ân tình!
    Cho em nhận TEM bạc anh nhé bởi thời giàn anh viết bài nì và vào tháng nì đó là tháng chứng nhận em có mặt trên đất này.

    • Dân Cổng Chốt nói:

      Ừ,Chốt biết thế cho nên Tháng 12/1972 đã viết đến 4-5 bài thơ để chúc mừng Chân Dài Hà Nội đó chơ,hề hề..
      (Tháng này bọn anh đóng ở Cửa Việt.Đầu tháng 12 thì bị B52 liên tục.(có đêm 3 đợt liền).Nhưng khoảng nửa sau của tháng 12,do Mỹ tập trung B52 cho Thủ Đô nên đỡ hẳn B52)

  2. Thành nói:

    Những vần thơ của một thời trai trẻ – thời bom lửa – thời hừng hực khí thế ái quốc!
    Để bốn mươi năm sau đọc lại lại mơ ước hay là cứ mãi chiến tranh để rồi con người sống với nhau đúng nghĩa con người!

    Xin lỗi anh và mọi người nếu em có y nghĩ hơi lập dị hay bất mãn! Nhưng em không hề bất mãn, bởi em biết có chăng cũng chẳng để làm gì, thôi thì mình hãy làm tốt những việc mình cho là tốt (Có thể ai đó cho là chưa tốt hay không tốt cũng xin một lời thứ tha)

    • Dân Cổng Chốt nói:

      Răng Thành lại bỗng nhiên nói rứa? Chỉ là người rất có trách nhiệm với đất nước,không mũ ni che tai thì mới làm được như Thành(Cũng như các Cụ Vĩnh,bác Huệ Chi,Quang A,Bác Nguyên Ngọc,anh Thụy,..).Chốt không làm được thế ,nhưng khâm phục lắm!Rất phục.

      • Thành nói:

        “bởi em biết có chăng cũng chẳng để làm gì”. Bởi đau thương và đói nghèo sẽ còn hiện hữu trên quê hương này dài lâu. Bởi ghen ghét và tỵ hiềm còn đầy rãy. Bởi tham lam và độc ác vẫn lên ngôi!

  3. Zoe nói:

    Chia sẻ tình cảm của bác với mẹ Gio linh. Đọc xúc động lắm bác ạ!

    • Dân Cổng Chốt nói:

      Cảm ơn bác Zoe!
      Tuy tiểu đội bọn tui ở nhà Mẹ rất ngắn nhưng ấn tượng rất sâu sắc bác ạ.Tui nhớ như in 2 chuyện thế này:
      -Môt tối trời mưa,hơi lành lạnh,tui thức dậy thấy bà cụ ngồi ngay cửa hầm Kèo, quạt quạt nồi than cho ấm căn hầm bọn tui ngủ.(Bọn tui đánh nhau trong chốt mới ra,làm gì còn mang theo cái chăn nào,hồi đi vô B, đã vứt hết vì nặng,hề hề..)Tui bỗng nhớ đến bài “đêm nay Bác không ngủ”,nhưng hình ảnh bên bếp than lúc này là một bà mẹ già,rất nghèo,mẹ liệt sỹ và bộ đội ta.Thương lắm!
      -Khi bọn tui ra ở ngoài trảng cát,bà cụ ra thăm mấy lần,lần nào cũng một bó rau khoai to cho bọn tui nấu canh ăn.Những bó rau đơn sơ thôi,nhưng là tấm lòng của Mẹ.(Bà cụ ra lần nào là mấy đứa trong Tiểu đội reo như Mẹ đi chợ về hồi nhỏ vậy)

      • Chaubacbaphi nói:

        Dễ thương quá anh à. Có lẽ người lính xa nhà, nhớ mẹ nên có bà mẹ chăm sóc ân cần nên thương. Còn mẹ thì xa con nhớ con của mẹ, nên thương các anh như con. Đó chính là sức mạnh của dân tộc ta mà kẻ xâm lược không thể nào hiểu nổi.
        Tui hông biết gì nhiều dìa anh. Có thể cho tui biết dìa anh nhiều hơn chút được hôn?

        • Dân Cổng Chốt nói:

          Cảm ơn những chia sẻ của cô Ba!
          Rồi dần dần cô Ba sẽ biết về tui thôi mà.Sau này,Cô Ba muốn tìm hiểu chi về tui mà hổng được.

          • Chaubacbaphi nói:

            Sau nầy là…sau nào? Chiều chiều nhìn biển nuốt đất. Mũi Cà Mau dần biết mất tui thấm nỗi đời dâu bể. Tui sợ sau gần lẫn sau xa.

          • Dân Cổng Chốt nói:

            “Sau này là…sau nào?”
            Là ngay từ giờ nè.Nhưng,cứ lần lần chơ dzội chi cô Ba ời!Hổng lẽ cô Ba hông muốn kết bạn lâu dài dzới Chốt sao?

            😆

  4. Chaubacbaphi nói:

    Tui chưa từng trãi qua ngày tháng như anh, nhưng sao nghe rưng rưng thương mẹ. Tui dzẫn thường trách những người cán bộ thời khó khăn má tui dzẫn nuôi dấu, mấy mươi năm hông thấy quay dìa thăm, có lẽ ở nơi nào đó xa xôi họ vẫn quay quắt nhớ về một thời chiến tranh, nhớ mẹ …Xin tha lỗi cho tui nông cạn, các anh nhé.

    • Dân Cổng Chốt nói:

      Hoan hô cô Ba ghé nhà!
      Dzâng,Cô Ba! Thật đáng trách cho những người vội quên ân ngãi, đùm bọc của nhân dân.
      Nhưng,cũng có nhiều trường hợp,hết chiến tranh rồi,nhiều người lính,nhiều cán bộ nằm vùng .. rất muốn được quay lại nơi xưa,nhưng không được;không phải ai cũng có điều kiện thực hiện ao ước của mình đâu,vì..cũng có bao nhiêu lý do khác chi phối cô Ba ơi.

  5. Đônga nói:

    Đọc bà mẹ Gio Linh của bác Chốt lại nhớ chuyện bây giờ . Những đứa ” con ” mẹ từng cưu mang quay trở lại … cướp đất của mẹ .
    Chả hiểu tại sao lại có ý nghĩ tiêu cực như vậy ???

    • Dân Cổng Chốt nói:

      Hôm mình về lại Cam Phổ (Tháng 7 và 9/2010) Thì thấy lăng bà cụ được các cháu xây đàng hoàng.Nhà Cu Đới hiện tại xây gạch,lợp ngói đúng trên chỗ đất ngày xưa là vườn khoai của Cụ,vẫn còn bụi tre hóp như cũ thế (mình nhận được ngay vì hố bom rất to,là nơi giặt giũ áo quần dạo ấy vẫn còn và nay đang thả muống) .

    • Dân Cổng Chốt nói:

      Mình đăng bài thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc viết năm 1993.

      TỔ QUỐC RÙNG MÌNH TRONG CƠN NHẬU NHẸT

      Có ai kêu cho những cây thông không biết nói
      Khi nhà thơ bị bóp cổ nghẹn lời
      Rừng nguyên sinh vung lưỡi rìu quỷ đói
      Răng rắc cây xô,cốc chạm quỷ vang cười

      Chúng nó nhậu từng cánh rừng,dải núi
      Từng khoảng trời miệt đất lòng khơi
      Nhậu tất cả từ vua Hùng để lại
      Nhậu đến nàng Tô Thị rã thành vôi.

      Chúng nó nhậu trên lưng em trinh bạch
      Trên lưng Mẹ già còm cõi một đời bom
      Con mất xác dưới chân thành Quảng Trị
      Mẹ đội mồ nuôi tiếp biết bao con.

      Kìa Mẹ về run rẩy dưới mưa tuôn
      Qua cửa Vi-la thấy đàn con ngồi nhậu
      Những đứa con thoát chết vụ khui hầm
      Đang tưng bừng nâng cốc tụng Nhân Dân.

      Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
      Có nghe chăng con cháu ngợi ca Người
      Và hạ bút ký hợp đồng cái rẹt.
      Hợp đồng này giàu đẹp lắm ai ơi!

      Đà Lạt 1993-Bùi Minh Quốc

  6. huongbuoi nói:

    Cậu à, cậu ơi… bài thơ xúc động quá! Cảm ơn cậu!

    • Dân Cổng Chốt nói:

      Chuyện!
      Khen bác Bùi Minh Quốc thì khen cả ngày.Đọc bài thơ của bác í, những người đi qua chiến tranh như tụi tớ,dù chút chút thôi,vẫn đau lắm.

  7. Hà Bắc nói:

    Đọc bài thơ của anh Chốt làm em rưng rưng, tình cảm quân – dân thời gắn bó keo sơn, tình nghĩa. Ngày đó đúng là “đi dân nhớ, ở dân thương”, có lé sức mạnh dân tộc đã giúp ta đánh thắng quân thù. Nghĩ ngày xưa và chợt nhớ ngày nay, liệu vấn đề Biển Đông sẽ đi về đâu, những hải phận của mình sẽ đi về đâu … nếu như tướng Diều hâu của TQ lại ngang nhiên lộng hành …

    • Dân Cổng Chốt nói:

      Đúng như thế! ngày xưa đi đâu cũng nhờ dân hết.Bọn tui đóng trên Nhã Nam,Yên Thế 3 tháng,xin của dân biết bao nhiêu là tre,gỗ về làm hội trường,nhà ăn..
      Trên đường đi B,nhiều nơi được địa phương mang khoai luộc,chè xanh ra bến đò,hay đầu làng tiếp đón,phân nhà trọ..(.Xã tôi những năm66-67, vẫn làm sẵn vòng ngụy trang,gậy chống,mía,nước chè xanh để đêm đêm đưa cho các đoàn bộ đội hành quân qua xã).
      Vô trong Nam cũng thế,gạo thịt hộp thì của quân đội lo,nhưng rau,quả cũng dân cho,tặng là chủ yếu(Ởnơi nào lâu thì xin,mượn đất tăng gia…)
      Bây giờ có lẽ không có tiền thì …đừng sờ đến.
      😆

  8. lam khê nói:

    Đọc bài thơ của anh Chốt mà em rưng rưng wa.
    Thương làm sao những người mẹ chất phác, cả đời vì chồng vì con, vì nước vì dân…mà có lẽ cũng chẳng được nổi một ngày hạnh phúc, có khi còn ko ai biết đến… 😦
    Cảm ơn anh vẫn nhớ và tri ân Mẹ Gio Linh.

  9. Small nói:

    Đọc lại và cảm xúc như lần đầu, rất cảm động anh Chốt à!
    Anh Chốt từng là lính chiến trực tiếp luôn sao? là một trong những người lính may mắn được trở về. Chỉ nghe kể về chiến tranh, về những người lính, về những người mẹ là đã thấy xúc động rồi.

Gửi phản hồi cho Chaubacbaphi Hủy trả lời